Sư phụ Ghita của những chàng sinh viên Hà Nội


(SVVN) Trong hơn 40 năm, thầy Thi mù đã dạy ghita cho hơn một vạn học trò, đa phần trong số họ là những chàng sinh viên. Thầy Trịnh Đình Thi, hiện ở nhà số 18 ngõ Liên Việt (Đống Đa, Hà Nội).

Trong giới sinh viên yêu ghita ở Hà Nội, tên tuổi thầy Thi mù chẳng có gì xa lạ. Cách dạy của thầy rất lạ. Thầy ngồi đối diện với trò. Trước mặt học trò là một bản nhạc  đã được soạn công phu. Trên khuông nhạc, những nốt cơ bản nhất đã được mã hóa rất dễ hiểu. Ví dụ: nốt “mì” ký hiệu là 60, tương ứng với nốt bấm ở dây số 6, ở vị trí số 0 trên cần đàn... Thế rồi thầy hướng dẫn về phách. Tay đi nốt, chân đập vào... chân học trò để giữ nhịp.

Thi thoảng, trong lúc đang dạy thầy lại hứng lên “chạy” một mạch cả bài khiến học sinh ngây ngất. Bản nhạc kết thúc. Tay vẫn đặt im lặng trên phím đàn, thầy không nhúc nhích, ngước đôi mắt lên trần nhà như vẫn lắng nghe.

Tuổi Giáp Thân (sinh năm 1944), thầy Thi được hưởng sự giáo dục đầy đủ bởi gia đình thầy có điều kiện. Bắt đầu làm quen với cây đàn ghita từ năm 13 tuổi, thầy bộc lộ năng khiếu đặc biệt đối với loại nhạc cụ này.

Năm thầy 17 tuổi,  một vụ nổ chất hóa học đã làm thị lực của Thi, vốn đã rất kém, giảm dần. Thầy đi học chữ nổi để “phòng bị”. Năm 22 tuổi, 1966, Trịnh Đình Thi bắt đầu sự nghiệp dạy đàn của mình.

Năm 1968, thầy lập gia đình với một nữ sinh Hà Nội. Một trong ba cô con gái xinh đẹp của vợ chồng thầy là Trịnh Hoài Phương, nữ ca sĩ trong ban nhạc “Đồng hồ báo thức”, từng một thời được sinh viên rất yêu mến.

Nếu coi cuộc đời thầy như một bản nhạc, thì năm 2005 là một “nốt  lặng” trong cuộc đời, khi mà thầy không còn được gần gũi người đã cùng thầy đi qua biết bao gian khó.

 

8.jpg

 

Chuyển soạn nhạc của Tchaikovsky cho ghita

Thầy Thi lục tủ mang ra một quyển nhạc có tiêu đề: “Những bài guitar được yêu thích”. Thầy lật giở đúng ngay trang có bản: “Chèo thuyền” - Nguyên tác Tchaikovsky, Trịnh Đình Thi chuyển soạn.

“Khi tôi bày tỏ ý định chuyển soạn nhạc của Tchaikovsky, không ít người đã cười khẩy. Bởi nhạc phẩm “Chèo thuyền” là được viết cho đàn Balalaika, một nhạc cụ dân tộc của Nga chỉ có 4 dây. Tôi đã phải đọc nhiều tài liệu ngoại ngữ để nắm được bản chất của nhạc cụ này. Rồi phải hiểu văn hóa Nga. Sau đó kết hợp nhuần nhuyễn chất Nga với chất Việt, sao cho người nghe vừa cảm thấy có cả sông Volga chảy róc rách lẫn những tiếng hò ơ thuần Việt”.

Phải mất hơn 4 tháng trời, thầy Thi mới tạm cho ra một bản “demo” cho nhạc phẩm “Chèo thuyền”. Thử đi thử lại, chữa tới chữa lui. Rồi lại lần mò đọc sách ngoại ngữ, ghi lại bằng chữ nổi... Chưa bao giờ thầy “giam mình” trên phím đàn nhiều như thế. Tùy viên văn hóa Nga khi ấy đã phải tấm tắc khen nhạc phẩm chuyển soạn của thầy.

Tiếp theo “Chèo thuyền”, thầy Thi tiếp tục chuyển soạn “Ngôi sao ban chiều” của Tchaikovsky cho ghita. Tác phẩm này cũng thành công ngoài sức tưởng tượng. Trịnh Thi còn được xuất bản hai ca khúc “Anh vẫn hành quân” và “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” chuyển soạn cho đàn ghita. Bản nhạc này sau đó đã được dùng làm giáo trình trong Nhạc viện Hà Nội.

“Tôi được trả nhuận bút cho hai tác phẩm này là 350 đồng, tương đương với 7 tháng lương của một sinh viên mới ra trường thời bấy giờ” – Thầy Thi cười, kể lại.

Tình thầy trò

Trong hơn 40 năm dạy đàn, thầy đã có rất nhiều học trò đang làm việc trong đủ lĩnh vực... không ít những gia đình cả cha và con đều học thầy.

Học trò yêu kính thầy còn bởi thầy yêu thương họ. Nguyễn Việt Phương, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tâm sự. Hồi 2007, quê Phương ở Nghệ An bị lũ quét, tiền trợ cấp của gia đình dành cho Phương ăn học bị “đứt đoạn”, Phương chạy bàn ở một quán bia để kiếm tiền ăn học, và xin thầy Thi cho nghỉ một vài tháng.

 

5.jpg

 

Không ngờ, thầy hỏi cặn kẽ gia cảnh, rồi nhẹ nhàng bảo rằng: “Nếu con vẫn có đủ thời gian và niềm đam mê với cây đàn, thì cứ đến học bình thường. Học phí con có thể trả khi con có tiền, thậm chí ra trường đi làm trả sau cũng được...”. Phương ứa nước mắt, gật đầu.

Và quả thật, lướt qua “bảng giá” học phí nhà thầy, tôi thấy một tháng học mà thầy chỉ lấy có... 60 ngàn đồng. Nghệ sĩ ghita Hải Thoại thường “rêu rao” : “Thằng Thi nó dạy cho vui ấy mà, tiền bạc gì đâu...”.

Một học trò của thầy tâm sự: “Thầy là người thầy đầu tiên mà không xưng là thầy. Học trò toàn gọi “bác” xưng “cháu”. Trước khi dạy, bài nào cũng thế, câu đầu tiên khi kiểm tra bài cũ luôn là: “Không đánh được bài này thì bác không dạy bài tiếp”.

Nhờ thầy nghiêm nên nhiều lúc muốn lười mà chẳng dám, đầu ngón tay đau buốt vẫn cố tập... Nhớ nhất lần thầy dọn đồ chuẩn bị chuyển nhà, 2 cái loa to đùng treo trên trần, thầy tự bắc thang, cởi trần leo lên tháo xuống rồi kêu mình đỡ. Mình đề nghị làm giúp mà thầy nhất quyết không chịu”.

“Trồng cây chuối” để “luyện ngón”

Gặp thầy, chúng tôi vẫn thắc mắc là sao năm nay thầy đã 65 tuổi mà thân thể vẫn rất tráng kiện. Da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng, luôn thường trực nụ cười trên môi.

Nghe tôi thắc mắc, thầy mỉm cười, rồi thầy khẽ chỉnh lại trang phục, bất ngờ... tung người ra giữa nhà làm một động tác... trồng cây chuối rất đẹp. Sau khi học trò chơi xong một bản nhạc dài chừng 5 phút thì thầy mới “hạ chuối”.

Có lẽ cảm nhận được sự bất ngờ pha lẫn... kinh hãi của tôi, thầy Thi lại cười lớn: “Tôi thường xuyên phải tập thể dục, tập Yoga để giữ sức khỏe”. Thầy định nghĩa: “Tập thể dục cũng là một cách giáo dục cơ thể. Học văn hóa, học kiến thức là để giáo dục về trí tuệ, về lối sống. Hai việc này phải luôn luôn gắn liền với nhau, nhất định không thể quên”.

Chị giúp việc trong nhà thầy kể rằng ngày nào cũng vậy, cho dù trời giá lạnh căm căm hay nóng nực đổ mồ hôi, thì thầy vẫn bỏ ra ít nhất ba mươi phút cho việc luyện tập thể dục. Ngoài việc trồng cây chuối từ 5-10 phút, thầy còn luyện Yoga, thậm chí luyện... hiphop (tất nhiên là những động tác phù hợp với cơ thể).

 

Phạm Linh Chi

2 nhận xét: