Tớ mò được bài viết này của anh Dũng ĐT dành cho lớp guitar khóa 2 hồi xưa của anh ý ...
tớ thấy nó rất có ích và cần thiết nên post lên đây cho anh em tham khảo !
"Các chú thân mến. Nhằm đẩy nhanh tiến trình học nhạc của các chú, anh sẽ bổ sung thêm những kinh nghiệm cần thiết cho các chú trong chơi nhạc. Mỗi ngày một chút, và các chú nên hỏi ngay nếu không hiểu. Như thế sẽ nhanh hơn.
Kinh nghiệm rất quan trọng trong chơi nhạc, đặc biệt là chơi nhạc cho dân không chuyên. Anh có ông bạn học 14 năm guitar Nhạc viện, kết quả gặp một đứa bình thường nó hát là cứng tay không đánh được. Đơn giản vì bố này ngày này tháng khác tập theo bài, kỹ thuật và hiểu biết rất tốt nhưng kinh nghiệm thì rất ít, do đó gặp tình huống cụ thể là bó tay.
Bằng kinh nghiệm bản thân từ những lần đi chơi nhạc cho quán nước kiếm tiền cho đến những đại nhạc hội hoành tráng cả ngàn người xem, anh sẽ tập trung vào những vấn đề thực tế để bàn bạc, bổ sung thêm cho Đạo chích dạy trên lớp.
Kinh nghiệm đầu tiên: Luôn tự tin vào bản thân mình.
Nghe cái này hơi sáo đúng không? Thực ra nó có căn cứ của nó. Các chú để ý trong tự nhiên, hai con chim họa mi để cạnh nhau, khi một con cất tiếng hót hay hơn, to hơn, lập tức con kia không dám hót. Người ta gọi đó là "chột". Trong giới chơi nhạc, khi gặp cao thủ khác, anh em thường có tâm lý e dè, giả vờ đau tay với viêm họng để thoái thác, người ta gọi là "chột tài".
Ngày trước anh cũng đã rơi vào tình trạng này khá nhiều, sau ngẫm lại thấy mình ngu thật, chơi nhạc là sướng cái thân mình, việc đếch gì phải kìm hãm sự sung sướng đó. Do đó, nếu thấy cần chơi là chơi, thích chơi là chơi, mình có thể chơi chưa hay nhưng mà đố thiên hạ thằng nào chơi giống được mình, chấp nó học 20 năm Nhạc Viện.
Nguyên tắc thứ 2: Sự trên đúng trong nghệ thuật
Trong cuộc sống, công việc, xã hội... người ta hay nói tới từ Đúng, nói chung là cái gì đã Đúng thì coi như đó là chân lý, là căn cứ...
Tuy nhiên trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng còn có khái niệm Trên đúng dành cho những trường hợp "không giống Đúng nhưng lại hay và hiệu quả hơn Đúng".
Tất nhiên, Không giống Đúng có thể là Sai và cũng có thể là Trên Đúng, tuy nhiên theo tổng kết thấy rằng, những nghệ sỹ chỉ chuyên đánh Đúng hoặc cố gắng đánh Đúng (như nhạc công dàn giao hưởng...) thì cơ hội để làm nên Trên đúng rất ít mà chính những người chơi nhạc nghiệp dư, những người hay "chơi Sai" lại dễ có cơ hội làm nên Trên đúng.
Để các chú hiểu hơn khái niệm này, anh lấy ví dụ: Khi các chú nghe Khánh Ly hát, các chú thử lấy đàn ra đệm theo, sẽ có lúc thấy đàn mình và tiếng nhạc lệch nhau. Điều đó chứng tỏ bà Khánh Ly hát "trượt nhịp". Trong âm nhạc "trượt nhịp" là điều tối kỵ, vậy sao mà bà Khánh Ly vẫn được coi là ca sỹ giỏi, đơn giản thôi, bà ấy cố tình hát "trượt nhịp" để bài hát hay hơn, đúng cảm xúc hơn. Như vậy là hát hay hơn "đúng nhịp" hay hơn Đúng. Khánh Ly đi lên từ 1 cô bé chân đất hát trong phòng trà mà hay hơn nhiều ca sỹ học thanh nhạc suốt ngày luyện thanh: "Mì í ì ì bò"
Tất nhiên là bà ấy cố tình, chứ nhạc lý căn bản của bà ấy thì hơi ngon, và đương nhiên là nhịp phách phải cực chuẩn, giống như chúng ta bình thường phải đi ngon, sau đó mới nhảy nhót.
Trong hội họa có Picaso, trước khi ông ta có những bức tranh đếch ai biết chính xác là vẽ gì thì cũng đã có thời ông vẽ tranh theo phong cách tả thật thời kỳ Phục hưng cực ngon.
Với anh em CLB guitar thì nên cố gắng tập cơ bản, sau đó đánh kiểu gì chả thành ...sai, nhưng biết đâu đó, có một lần thành trên đúng. Đời phải biết hy vọng chứ. He he.
Nguyên tắc thứ 3: Chăm chỉ luyện tập, yêu đàn như con, quý dây như máu
Đây là tinh thần cần phải rèn luyện, khi các chú yêu cái gì thì việc đầu tiên là phải biết nâng niu nó. Chơi đàn phải biết quý đàn, gìn giữ nó cẩn thận từ cách dựng dàn, cách đặt đàn, như thế đàn mới ít bị hỏng, tiếng bền.
Thêm vào đó, tỉnh cẩn thận và yêu đàn đó sẽ cho các chú cơ hội được chơi những cây đàn xin hơn do mượn của các anh khác. Họ nhìn các chú biết giữ gìn, cho mượn gì cũng yên tâm.
Chăm chỉ thì đương nhiên rồi, tập nhạc mà không chăm thì vứt. Tập làm hai kiểu, tập tay không và tập đàn thật. Tập tay không thế nào? Thứ nhất là luôn luyện cho các ngón tay linh hoạt bằng cách gãi đùi, ngoáy mũi, cào cấu... Thậm chí khi nằm, tay vẫn có thể múa may cho dẻo. Tiếp đó là tập cổ tay, luôn vẩy cổ tay (như vẩy nước), lúc đầu là tập vẩy nhanh, vẩy đều, sau vẩy đảo tay, cái này nó rất cần cho đệm hát sau này.
Tập với đàn yêu cầu như sau. Thứ nhất là tập bấm đủ các thế tay, sau đó tập chuyển thế tay, chuyển lung tung cho linh hoạt. Tiếp theo là chọn lấy 1 giọng để tập cho quen quãng âm. Các chú chọn lấy 1 điệu sau đó chuyển từ quãng 1 - 6 - 2 - 5 - 1 - 4 - 5 - 1 - 3... giả sử chọn Đô trưởng thì vòng âm chuyển như này C - Am - Dm - G - C - F - G ... Mục đích giúp tai quen với các quãng âm, tính năng, tác dụng từng quãng âm. Sau này các chú đệm những bài mới tinh chưa nghe bao giờ vẫn đánh chặn đầu được.
Nguyên tắc thứ tư: Nghe để mà nhớ, nhớ để mà làm (trích Luyện LX)
Dân chơi nhạc thì một vấn đề tối quan trọng là phải thường xuyên nghe nhạc. Nhạc gì cũng nghe, mà nếu chú nào yêu loại nhạc nào thì chuyên tâm vào mà nghe nhạc đó. Nghe xong tập chơi lại với đàn của mình, sau đó ngấm và phát triển nó. Đôi khi là học mót kiểu đệm của bài này 1 tí, bài kia 1 tý thành 1 chiêu mới "trên Đúng".
Nghe rồi phải biết cảm nhận, người ta vẫn nói nghệ thuật có liên quan đến nhau, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đinh Tiến Dũng đều là những nhạc sỹ - họa sỹ bởi cả hai môn nghệ thuật này đều chung cái gốc của đầu óc tưởng tượng. Các chú nghe nhạc phải biết nhắm mắt vào mà tưởng tượng, điều đó sẽ cho tâm hồn của các chú một vốn cảm nhận rất phong phú. Sau này khi các chú phối khí cho 1 bài hát, các chú sẽ tưởng tượng được tình cảm của bài hát để phối mạnh, phối nhé, nhanh chậm, tuti.. để bài hát trở nên đẹp nhất, truyền tải được cảm xúc tốt nhất cho người nghe. Đệm hát thêm một chút tinh tế đó thì thật là tuyệt vời, chứ cứ cầm đàn là quất phừng phừng như bổ củi thì khác gì kẻ phàm phu tục tử, đâu xứng với vẻ thanh nhã của CLB Guitar.
Tất cả cố lên, Band nhạc trường đang chờ các chú. Hôm nay thế đã, hỏi gì hỏi ngay.
Chúc vui vẻ và may mắn."
Anh DT chém gió thật vãi chưởng. Ước gì em được như anh ấy!